Chuyên mục

Thế giới vi diệu Cảm nhận Tham khảo Giải trí Hình ảnh Danh ngôn truyên cười Tư tưởng Cảm nghỉ Các bài viết Gương Bác

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG TRẺ EM HUYỆN PHÚ TÂN

 Hồng Mùng Hai, Nguyễn Văn Nhặt
Trung tâm Y tế huyện Phú Tân


Suy dinh dưỡng (SDD) không chỉ làm giảm sức khỏe mà còn là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong cao ở trẻ em các nước đang phát triển. Suy dinh dưỡng và nhiễm trùng là vòng xoắn bệnh lý: khi trẻ bị suy dinh dưỡng, khả năng chống đỡ với bệnh nhiễm trùng giảm. Đứa trẻ dễ cảm nhiễm với các bệnh nhiễm trùng nhất là nhiễm trùng hô hấp và tiêu hoá. Không những thế, mức độ nặng của các bệnh nhiễm trùng cũng cao hẳn, do đó thời gian bị suy dinh dưỡng cũng kéo dài. Suy dinh dưỡng của trẻ em vào thời kỳ đầu, nhưng hậu quả để lại là khá lâu dài, tầm vóc của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, liên quan đến quá trình hoạt động và học tập.
Suy dinh dưỡng đang là vấn đề hàng đầu của sức khỏe trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em là một trong những chỉ tiêu về phát triển xã hội đã được ghi trong Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và chỉ tiêu phát triển xã hội của các cấp từ trung ương đến địa phương. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền tiếp tục có những chỉ đạo và đóng góp hữu hiệu cho các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng ở địa phương thông qua công tác chỉ đạo, giám sát chặt chẽ.
Hiện nay trên phạm vi toàn cầu cũng như ở mỗi quốc gia, việc định ra các chính sách về dinh dưỡng ngày càng được quan tâm. Chính phủ dần đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng và thực thi các chính sách đó. Nạn đói và suy dinh dưỡng đã từ lâu là những thách thức gay gắt ở nhiều quốc gia trong quá trình phát triển. Những bước tiến mạnh mẽ của khoa học dinh dưỡng đã soi sáng những hiểu biết mới về mối liên quan giữa ăn uống với các bệnh mạn tính, với khả năng duy trì sức khỏe. Điều đó, đòi hỏi chúng ta cần có một đường lối giải quyết, được hoạch định dựa theo điều kiện cụ thể của mình cho từng giai đoạn thích hợp.
Giảm tỷ lệ SDD trẻ em < 5 tuổi xuống mỗi năm từ 2 % là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng và chiến lược Quốc gia dinh dưỡng tỉnh Cà Mau cũng như mục tiêu chương trình phòng chống SDD huyện Phú Tân.
Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống SDD trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế, việc triển khai điều tra đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ là rất quan trọng vì đây là một trong những chỉ tiêu để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Huyện Phú Tân là một huyện có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao trong tỉnh Cà Mau.
Để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi và nghiên cứu các nguyên nhân đặc thù của tình trạng trên, đồng thời để có những số liệu tương đối khoa học nhằm góp phần xây dựng và thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống SDD trẻ em tỉnh Cà mau nói chung và huyện Phú Tân nói chung. Trung tâm Y tế huyện Phú Tân tổ chức khảo sát, đánh giá và điều tra số liệu thứ cấp, tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và các yếu tố liên quan tại tất cả các xã của huyện Phú Tân năm 2013. Kết quả cho thấy: Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của huyện Phú Tân năm 2013 là 14,69%; trong đó SDD độ I chiếm 53,60%, SDD độ II chiếm 36,25%, SDD độ III chiếm 10,15%. Tỷ lệ trẻ em <5 tuổi SDD cân nặng/tuổi huyện Phú Tân giảm từ 15,55% (2012) xuống còn 14,69% (2013). Tỷ lệ SDD giảm những năm sau liên quan đến vấn đề kiến thức và thực hành dinh dưỡng trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; điều kiện kinh tế gia đình, tình hình bệnh tật mắc phải.
Tình trạng SDD trẻ em < 5 tuổi (câng nặng/tuổi, chiều cao/tuổi) ở từng  xã thuộc huyện Phú Tân như sau: Cái Đôi Vàm (16,16%, 9,70%), Phú Tân (13,40%, 9,52%), Phú Mỹ (13,8%, 9,68%), Phú Thuận (13,32%, 9,51%), Tân Hải (13,238%, 9,57%), Tân Hưng Tây (14,76%, 9,75%), Rạch Chèo (14,45%, 9,51%), Việt Thắng (16,61%, 9,46%) và Việt Khái (16,02%, 9,60%). Điều này có một số ý nghĩa về mặt địa lý: SDD cao ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; ý nghĩa về mặt dân trí, kiến thức chăm sóc trẻ và thực hành dinh dưỡng; về mặt kinh tế - xã hội: tỷ lệ SDD tăng ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Như vậy, các yếu tố liên quan tới suy dinh dưỡng ở huyện Phú Tân, đặc biệt các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại khá phức tạp, từ nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân tiềm tàng đến nguyên nhân trực tiếp. Vấn đề này đòi hỏi các can thiệp đồng bộ và toàn diện nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở địa phương.
Trong thể SDD, chỉ số suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi cần được xem là chỉ số thiết yếu đáng quan tâm theo dõi trong cộng đồng. Qua khảo sát số liệu thứ cấp và ý kiến nhận xét của các cộng tác viên, về các yếu tố liên quan đến SDD, chúng tôi thấy rằng: tỷ lệ ăn bổ sung sớm trước 6 tháng tuổi cao, bà mẹ không được nghỉ ngơi hợp lý trước khi sinh, người mẹ trước và trong khi mang thai ǎn uống không đầy đủ dễ dẫn đến bị thiếu dưỡng và có thể đẻ ra đứa con nhẹ cân. Đứa trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai sẽ dễ bị suy dinh dưỡng sau này. Người mẹ bị suy dinh dưỡng, ǎn uống kém trong những tháng đầu sau đẻ dễ bị thiếu sữa hoặc mất sữa, do đó đứa con dễ bị suy dinh dưỡng. Đáng lưu ý rằng, các bà mẹ chưa quan tân nhiều về biểu đồ tăng trưởng theo dõi sự phát triển của trẻ, do vậy cần nâng cao chất lượng sử dụng biểu đồ tăng trưởng cho các bà mẹ.
Các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp, tiêu chảy, các bệnh ký sinh trùng ... đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở nước ta và tiền sử mắc bệnh trong tháng ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ SDD; chế độ nuôi dưỡng không hợp lý khi trẻ bệnh là một nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng sau mắc bệnh ở trẻ < 5 tuổi. Trẻ SDD cao ở những trẻ không được bú sữa mẹ hoặc mẹ không đủ sữa, trẻ đẻ nhẹ cân (<2500g), trẻ đẻ sinh đôi, trẻ ở gia đình đông con, điều kiện vệ sinh kém, mức sống thấp.  
Nhìn chung, hiện nay trên địa bàn huyện Phú Tân sự hiểu biết của người dân về dinh dưỡng cũng như thực hành dinh dưỡng chưa cao, cần tăng cường hơn nữa TTGDSK về dinh dưỡng cho trước hết cho nhóm các bà mẹ mang thai và nuôi con < 5 tuổi. Như vậy việc cải thiện dinh dưỡng vị thành niên và dinh dưỡng của bà mẹ trước khi mang thai và trong giai đoạn mang thai là nội dung "dinh dưỡng dự phòng" thiết yếu nhằm giảm tỷ lệ thấp còi. Người phụ nữ trước khi có thai cần được quan tâm nhiều hơn tới dinh dưỡng bao gồm ăn uống, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, giun sán, và cần phải được học về dinh dưỡng, hiểu biết về thức ăn, hiểu biết về  nuôi con.
Chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai bao gồm theo dõi tăng cân, tư vấn dinh dưỡng, khám thai, tiêm chủng, bổ sung viên sắt/folic và cải thiện môi trường vệ sinh là các hoạt động cơ bản, không bao giờ là cũ và luôn được quan tâm ở mọi cộng đồng. Nâng cao chất lượng và độ bao phủ hoạt động chăm sóc dinh dưỡng trẻ em để giảm thấp còi trong những năm đầu, tập trung chăm sóc sớm ngay từ khi sinh ra đối với mọi đứa trẻ. Điểm mấu chốt nhất ở đây là thực hiện bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu và cho bú duy trì tiếp tục 18 đến 24 tháng. Từ tháng thứ 7, thực hiện ăn bổ sung hợp lý, cải thiện chất lượng ăn bổ sung và bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ em.
Như vậy, có thể nhận định về kết quả phòng chống SDD trẻ em ở huyện Phú Tân trong thời gian qua như sau:
1. Mặc dù hàng năm tỷ lệ SDD trẻ em < 5 tuổi huyện Phú Tân giảm 15,55% (2012) xuống còn 14,69% (2013), giảm khoảng 0,8% tỷ lệ SDD hàng năm, đây là kết quả đáng khích lệ và phát huy hơn nữa, vì tỷ lệ này thấp hơn so với chỉ số SDD trẻ em < 5 tuổi trung bình của toàn quốc.
2. Tỷ lệ SDD trẻ em < 5 tuổi huyện Phú Tân có tỷ lệ cao ở các xã vùng sâu, vùng khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế.
3. Tỷ lệ SDD trẻ em < 5 tuổi huyện Phú Tân có liên quan đến các yếu tố như: kiến thức chăm sóc trẻ và thực hành dinh dưỡng của mẹ, tình trạng dinh dưỡng và nghỉ ngơi của mẹ, trẻ em < 5 tuổi có tiền sử trẻ mắc bệnh, thường gặp mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng...
4. Tỷ lệ SDD cao ở những nhóm tuổi sau bú mẹ, liên quan đến vấn đề ăn bổ sung và nuôi con sau khi cai sữa.
5. Tỷ lệ SDD trường diễn (SDD chiều cao/tuổi) thể còi cọc trẻ em < 5 tuổi cao hơn nhiều so với SDD thể nhẹ cân (SDD cân nặng/tuổi).
Để chương trình phòng chống SDD huyện Phú Tân hiệu quả và bền vững đạt được mục tiêu đề ra, Chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp:
-  Nâng cao hiệu quả trong hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hành sâu rộng, phong phú trong cộng đồng, chú trọng đến các đối tượng ưu tiên như bà mẹ có con nhỏ < 5 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ. Hiện nay việc TTGDSK, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng chủ yếu dựa vào mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng và cán bộ phụ trách dinh dưỡng của trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản; cần mở rộng TTGDSK về kiến thức, thực hành dinh dưỡng hơn nữa ở nhóm trẻ hộ gia đình.
-  Tăng cường vai trò chỉ đạo, giám sát, quản lý, kiểm tra hoạt động tại các cấp, đặc biệt tại tuyến xã, cần phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Hệ thống giám sát dinh dưỡng xuyên suốt từ tuyến huyện đến tận thôn bản và cộng đồng; cần được nâng cấp về trang bị, kinh phí, năng lực phân tích để có thể cung cấp các thông tin khách quan về tỷ lệ SDD, các thông tin về hoạt động phòng chống SDD, cũng như phân tích thực trạng các yếu tố SDD theo địa bàn đặc thù.
-  Củng cố mạng lưới y tế, chú trọng y tế cơ sở, chuyên trách dinh dưỡng, cộng tác viên dinh dưỡng đồng thời củng cố, nhân rộng hoạt động các câu lạc bộ dinh dưỡng vì đây chính là hạt nhân trong hoạt động phòng chống SDD trẻ em <5 tuổi
-  Cần tập trung xây dựng, củng cố đảm bảo bền vững an ninh lương thực hộ gia đình, đặc biệt các xã vùng sâu. Tăng cường đầu tư cho các hoạt động cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình, giảm đói nghèo; đòi hỏi sự tham gia tích cực của ngành nông nghiệp, các hoạt động khuyến nông, hỗ trợ sản xuất, các mô hình kinh tế thủy sản. Cải thiện an ninh thực phẩm hộ gia đình cần gắn liền với các hoạt động phát triển cộng đồng với sự quan tâm của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội.
-  Xã hội hóa công tác phòng chống SDD một cách đồng bộ, thường xuyên và hiệu quả sớm. Phối hợp liên ngành chặt chẽ, tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và sự cam kết của Chính phủ trong phòng chống SDD trẻ em. Các giải pháp của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cần được thực hiện một cách tích cực, có sự đầu tư và quan tâm của Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động PCSDDTE trong phong trào thi đua xây dựng ấp/khóm Văn hóa - Sức khỏe
-  Cần có những nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động phù hợp ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa; những vùng này cần có một hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, rất cơ bản cho hoạt động cải thiện dinh dưỡng trẻ em, có ý nghĩa quan trọng trong khi hoạt động chăm sóc tại cộng đồng, từ đó cải thiện chất lượng chăm sóc tại hộ gia đình, nhóm trẻ hộ gia đình, xây dựng mô hình phục hồi dinh dưỡng tại các xã, thị trấn.
-  Lấy gia đình là đối tượng thực hiện công tác chǎm sóc dinh dưỡng cho trẻ em. Mọi gia đình đều hưởng ứng và thực hiện 8 nội dung mà Viện dinh dưỡng đã khuyến cáo:
          + Chǎm sóc ǎn uống của phụ nữ có thai để đạt mức tǎng cân 10-12 cân trong thời gian có thai. Khám thai ít nhất 3 lần, tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván.
+ Cho trẻ bú sớm trong nửa giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 4 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng.
+ Cho trẻ ǎn bổ sung từ tháng thứ 7. Tô màu đĩa bột, tǎng thêm chất béo (dầu, mỡ, lạc, vừng), ǎn nhiều bữa.
+ Thực hiện phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng: Phụ nữ có thai uống viên sắt/acid folic hàng ngày. Trẻ em 6-36 tháng uống vitamin A liều cao 2 lần một nǎm. Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp). Thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chǎm sóc và nuôi dưỡng hợp lý trẻ bị bệnh.
+ Phát triển ô dinh dưỡng trong hệ sinh thái vườn, ao, chuồng để có thêm thực phẩm cải thiện bữa ǎn gia đình. Chú ý nuôi gà, vịt đẻ trứng, trồng rau ngót, đu đủ, gấc…
+ Phấn đấu bữa ǎn nào cũng có đủ 4 món cân đối. Ngoài cơm, cần có đủ 3 món nữa là: rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụng, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo) và canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ǎn ngon miệng.
+ Thực hiện vệ sinh môi trường, dùng nguồn nước sạch, tẩy giun theo định kỳ, rửa tay trước khi ǎn và sau khi đi đại tiểu tiện. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, thức ǎn không là nguồn gây bệnh.
+ Thực hiện gia đình hạnh phúc, có nếp sống vǎn hoá, nǎng động, lành mạnh. Có biểu đồ tǎng trưởng để theo dõi sức khoẻ của trẻ ./.



                                                                                      
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào: