Chuyên mục

Thế giới vi diệu Cảm nhận Tham khảo Giải trí Hình ảnh Danh ngôn truyên cười Tư tưởng Cảm nghỉ Các bài viết Gương Bác

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2011

Ngành y tế huyện Phú Tân: 
Qua 7 năm tái thành lập và phát triển                                                             
                                                                                     Bs Hồng Mùng Hai
Được sự quan tâm chỉ đạo của Sở y tế tỉnh Cà Mau, của Huyện ủy và UBND huyện Phú Tân, sự ủng hộ và hợp tác tích cực của các  ngành, các cấp đặc biệt là sự kiên trì phấn đấu, không ngại khó khăn, gian khổ của toàn thể cán bộ công chức, viên chức ngành y tế, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân huyện nhà ngày càng phát triển  và thu được những thành quả to lớn.

Hòa cùng thành tựu chung của cả nước, các chỉ tiêu sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt và tốt hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Nước ta đứng vào hàng các nước có thành tựu nổi bật về y tế so với tổng thu nhập quốc dân, chỉ số phát triển con người của Việt Nam không ngừng tăng lên trong suốt hơn hai thập kỷ qua; chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, sởi, ho gà, bạch hầu; tỷ suất chết mẹ, chết trẻ em giảm rõ rệt; tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã đạt 72,8 tuổi. Đặc biệt năm 2010, Phú Tân đã hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm của ngành y tế. Tuy phía trước còn rất nhiều bộn bề, khó khăn và thách thức, nhưng có thể khẳng định rằng, Phú Tân đã tạo được một tiền đề, một nền tảng vững chắc để cả ngành y tế huyện nhà tự tin bước vào xây dựng và phát triển trong giai đoạn mới. 
Công tác phòng chống dịch bệnh đã được tiến hành chủ động, tích cực. Nhiều bệnh dịch nguy hiểm đã được khống chế và từng bước đẩy lùi, như sốt xuất huyết, dịch tả, sốt rét, tay chân miệng…
Công tác khám, chữa bệnh cũng có sự tiến bộ vượt bậc, không chỉ về đội ngũ y bác sỹ, mà cả về số lượng và chất lượng dịch vụ y tế. Nếu như năm 2004- năm đầu tiên tái thành lập huyện tất cả cán bộ y tế tuyến huyện (lúc bấy giờ là Trung tâm Y tế) chỉ vỏn vẹn 20 người, thì hiện nay con số này là 125 người. Từ đó, đã có những bước tiến lớn về chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Trình độ chuyên môn, tay nghề của cán bộ y tế ngày càng được nâng lên, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế từng bước được đầu tư đã tạo điều kiện cho việc chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân huyện nhà.
Phòng Y tế cũng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản, nhằm điều chỉnh các hoạt động y tế, góp phần hoàn thiện hệ thống y tế địa phương trong công lập và cả y tế tư nhân; công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường, qua đó nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Ngày 27 tháng 2 năm 1955, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ chủ chốt ngành y tế, đến hôm nay đã trãi qua 56 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Tựu chung lại, trong thư Bác, có 3 nội dung quan trong đó là: Phải thật thà đoàn kết – Thương yêu người bệnh – và  Xây dựng một nền y học của ta.
Qua 7 năm tái thành lập, chúng ta hãy cùng nhau soi rọi lại xem ngành y tế huyện Phú Tân đã đạt được những gì trong 3 nội dung ấy.
Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Vâng, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quí báo của dân ta, phát huy truyền thống này, trong những năm qua ngành y tế Phú Tân đã nhất quán trên dưới một lòng đoàn kết vượt qua mọi khó khăn trong buổi đầu tái thành lập, và từng bước định hình cho một phương thế vững chắc tiến lên sánh vai cùng với các huyện bạn. Tuy nhiên, khách quan mà nói trong hơn 7 năm qua, tính thật thà đoàn kết ấy chổ này, chổ khác đôi lúc có bị rạng, bị phai; tình đoàn kết trong sáng, vô tư có lúc bị hoen mờ; đâu đó trong ngành vẫn còn xảy ra hiện tượng tiêu cực, cán bộ, viên chức thiếu “thật thà” như lời Bác dạy, Bác mong. Song, đó chỉ là những hiện tượng nhỏ, nhất thời của chủ nghĩa cá nhân, cục bộ khó tránh khỏi trong qui luật phát triển chung của xã hội. Mà tất cả cùng hướng về đại sự, vì sự nghiệp phát triển chung của ngành, nên đã kịp thời chấn chỉnh và khắc phục triệt để.
Nội dung thứ hai trong thư Bác căn dặn cán bộ y tế là "phải thương yêu người bệnh. Bác khẳng định: Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Trong suốt 56 năm qua, lời dạy của Bác luôn luôn thấm sâu trong tâm trí của những người thầy thuốc Việt Nam và trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc, các cán bộ, nhân viên ngành y tế. Học tập và làm theo đạo đức của Người, ngành y tế xác định: thương dân trước hết là toàn tâm, toàn ý chăm lo sức khoẻ cho dân thật tốt như Bác Hồ đã viết:“… phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình…”. Đó chính là nghĩa cử cao đẹp nhất, hành động thiết thực nhất, hiệu quả nhất để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển của kinh tế thị trường hiện nay, một khi đồng tiền chen giữa thầy thuốc và bệnh nhân, nó rất dễ làm tha hóa đạo đức và thay đổi trật tự mối quan hệ thầy thuốc -  bệnh nhân, vốn vĩ rất chân tình, tốt đẹp; nó có thể xóa nhòa, không còn là niềm ấp ủ “thương yêu người bệnh” của một bộ phận sinh viên y khoa thời thị trường hóa. Vì thế, hơn bao giờ hết chúng ta phải có cơ chế chính sách hợp lý, thỏa đáng; có biện pháp tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên  chức một cách hữu hiệu, thậm chí cả biện pháp chế tài thích đáng, nhằm ngăn chặn những mầm móng tiêu cực, phi y đức vừa mới manh nha.
Nội dung thứ ba trong thư Bác là: Xây dựng một nền y học của ta. Đây thuộc về lĩnh vực vĩ mô của Ngành. Tuy nhiên, trong hệ thống y tế tuyến huyện chúng ta củng cố, xây dựng và phát triển phải luôn nhớ nguyên tắc Bác căn dặn: khoa học, dân tộc và đại chúng. Nghĩa là ngành y là một ngành khoa học, phải ứng dụng và hoạt động theo nguyên tắc khoa học, tuyệt đối không có sự xen lẫn của ý chí chủ quan. Nhưng phải phù hợp với truyền thống, đạo lý của dân tộc. Và có tính phổ quát cao, mọi người dân đều có quyền thụ hưởng, một cách công bằng, hiệu quả.
Mặt khác, Bác cũng căn dặn: nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và “thuốc tây”. Vấn đề này, ngành y tế huyện Phú Tân trong những năm qua có nhiều tiến bộ, đã phát triển hệ thống đông y tại bệnh viện và các trạm y tế. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, có đơn vị hoạt động còn đơn điệu, kém hiệu quả. Tình trạng này là do chúng ta còn thiếu và yếu về năng lực chuyên môn, cũng như sự quan tâm đầu tư chưa đúng mức.
Trong niềm vui thành tựu chung của cả ngành, xin điểm lại những kết quả cơ bản nhất mà ngành y tế đã đạt được trong những năm qua.
- Về lĩnh vực quản lý nhà nước
+ 4 đơn vị y tế đã dần hoàn thiện về công tác tổ chức cán bộ, củng cố sắp xếp tinh gọn và ổn định đi vào hoạt động hiểu quả.
+ Toàn huyện có 68 cơ sở hành nghề y dược tư nhân và dịch vụ y tế.
+ Có 9/9 xã, thị trấn có bác sĩ, dược sĩ trung học, hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi và y sỹ chuyên khoa đông y.
+ Có 7/9 trạm y tế xã được xây cất khang trang, đang được bổ sung dần các trang thiết bị theo chuẩn quốc gia phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
+ Có 100% khóm, ấp có cán bộ y tế phục vụ. Trong đó đã có 106 cán bộ có trình độ chuyên môn đúng theo qui định của Bộ y tế.
- Về lĩnh vực y tế dự phòng
+ Tình hình dịch bệnh ổn định không có dịch lớn xảy ra, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, thương hàn, tiêu chảy, lỵ , sốt rét đều được khống chế và đẩy lùi.
+ Vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động, phòng chống các bệnh xã hội cũng được huy động triển khai toàn diện, các chương trình y tế quốc gia đều đạt và vượt mức chỉ tiêu trên giao. Trong năm 2010 thực hiện thêm 2 chương trình mục tiêu y tế là nước sạch vệ sinh môi trường và phòng chống bệnh đái tháo đường.
- Về lĩnh vực dân số – KHHGĐ
+ Giảm tỷ lệ phát triển dân số hàng năm và hiện nay chỉ còn 1%.  Năm 2010, thực hiện các biện pháp tránh thai vượt mức chỉ tiêu và đạt hiệu quả an toàn cao, tổng cộng các biện pháp tránh thai đạt 101,2%. Sức khỏe của chị em phụ nữ ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Tổng tỷ suất sinh là 2,03 con/phụ nữ. Số phụ nữ được khám phụ khoa 28.653 lượt đạt 83,6%, Số lần khám thai 1.693 lượt đạt 90,9%, tăng 13,83%, so cùng kỳ, Thực hiện tốt các chương trình bảo vệ sức khỏe trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 17,32 %, không có trẻ em bị mù lòa do thiếu vitamin A.
- Về lĩnh vực khám, chữa bệnh
+ Bệnh viện huyện hoạt động với qui mô bệnh viện loại IV, có 60 giường chỉ tiêu, gồm 3 phòng và 6 khoa. Trong phạm vi phát triển y tế tuyến huyện năm qua đã sửa chữa nâng cấp khoa cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc. Trang bị thêm một số trang thiết bị y tế nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác chuyên môn.
+ Nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân từ huyện đến xã, thường xuyên nâng cao về mặt y đức và chuyên môn cho  cán bộ y tế trong từng đơn vị, không phân biệt đối xử với người bệnh. Tổng số lần khám kê đơn trong toàn huyện năm 2010 là 238.387 lượt, bình quân 2,25 lần/người/năm. Trong đó khám tại Bệnh viện huyện chiếm 39,78% Tổng số lần xét nghiệm 11.061; chụp XQ 1.898; Siêu âm 2.421; đo điện tâm đồ 2.548.
+ Công tác khám BHYT từng bước được nâng cao, hiệu quả đúng bệnh đúng thuốc, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, khắc phục đối đa sự phiền hà của người có BHYT.
+ Đảm bảo được nhu cầu cung ứng thuốc trong bệnh viện và tuyến xã,  hướng dẫn quầy dược các trạm y tế xây dựng danh mục thuốc thiết yếu cho nhu cầu phục vụ người dân trong xã.
Qua sơ lược tình hình hoạt động trong thời gian qua, chúng ta thấy rằng kết quả đạt được khá nhiều, hiệu quả ngày được nâng cao. Tuy nhiên, trước đòi hỏi cấp bách trong tình hình mới, ngành y tế huyện Phú Tân cũng đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn cơ bản như sau:
- Một là: Nhìn chung về cơ sở vật chất và trang thiết bị của 4 đơn vị y tế đều chưa đáp ứng được nhu cầu để triển khai đủ các khoa, phòng chức năng.
- Hai là: Các bệnh truyền nhiễm gây dịch luôn tiềm ẩn nguy cơ và có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào như: sốt xuất huyết, sốt rét, dịch tả, cúm A (H1N1), cúm A (H5N1), dịch SARS…Trong khi đó, các bệnh không truyền nhiễm ngày càng gia tăng nhanh chóng và đang bọc lộ là gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội như: đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, béo phì,  tai nạn thương tích….Những yếu tố này sẽ làm cho tuổi ước vọng sống của người dân thấp hơn rất nhiều so với tuổi thọ bình quân.
- Ba là: Đối với bệnh viện: nhân lực còn thiếu nhất là cán bộ đại học, sau đại học. Công tác nghiên cứu khoa học chưa được phát huy đúng mức. Hệ thống xử lý nước thải, rác sinh hoạt và rác y tế chưa đảm bảo.
- Bốn là: Công tác dân số -  KHHGĐ: đội ngũ cán bộ y tế còn kiêm nhiệm, trình độ cộng tác viên khóm, ấp còn hạn chế, thường xuyên biến động, nên đôi lúc chưa đảm bảo cho các hoạt động chuyên môn.
- Năm là: Việc quản lý hành nghề y tư nhân chưa thật sự chặt chẽ, nhất là đối với các đối tượng không có giấy phép hành nghề. Vì các đối tượng này rất khó kiểm tra, kiểm soát, cùng với nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa phân biệt được học hàm của người hành nghề, nên chưa có sự chọn lọc tự nhiên trong tiến trình phát triển của xã hội. Nhưng trong tương lai gần chắc chắn sự chọn lọc ấy sẽ xảy ra. Mặt khác, người thanh tra, kiểm tra đồng thời cũng chính là người cùng tham gia hành nghề, nên trong quá trình tác nghiệp không trách khỏi những trở ngại, khó khăn nhất định.
Trong năm 2011 và định hướng đến năm 2015, ngành y tế huyện Phú Tân sẽ ra sức phát huy nội lực, đoàn kết một lòng, phát huy dân chủ, nắm bắt các thời cơ, vận dụng cụ thể các chủ trương, chính sách vào tình hình thực tế từng địa phương, đơn vị thực hiện thắng lợi 10 mục tiêu cơ bản như sau:
1-/ Thực hiện tốt qui chế phối hợp 4 đơn vị y tế, với các ban, ngành, đoàn thể. Thực hiện và giám sát, chỉ đạo các mặt công tác y tế của Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện một cách hiệu quả.
2-/ Hoàn chỉnh qui hoạch đào tạo cán bộ chi tiết từng năm, và tầm nhìn 2015, năm 2020. Đào tạo phải tính đến cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ, có địa chỉ. Đến năm 2015, mỗi trạm y tế có 2 bác sĩ, trong đó 50% trưởng trạm có trình độ chuyên khoa cấp I; 50% trạm y tế có cữ nhân hộ sinh. Tuyến huyện, mỗi khoa phòng có từ 2 cán bộ đại học trở lên.
3-/ Tiếp tục kiện toàn bộ máy y tế từ huyện đến xã, thị trấn, đảm bảo có đủ các chức danh đáp ứng được nhu cầu phục vụ sức khỏe nhân dân ngày càng cao. Củng cố và phát triển mạng lưới y tế thôn bản đủ về số lượng và nâng cao chất lượng theo qui định.
4-/ Đón nhận và sử dụng có hiệu quả Dự án AP để phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị cho y tế cơ sở, xây dựng 100 %  cơ sở đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
5-/ Nâng cao chất lượng công tác giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch chủ động, tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch triệt để, củng cố hệ thống thông tin, báo cáo gây dịch, xử lý kịp thời các trường hợp mắc, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong và không để dịch lớn xảy ra. Thực hiện đạt chỉ tiêu các chương trình y tế quốc gia.
6-/ Ứng dụng những thành tựu y học và công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Tại bệnh viện huyện, xây dựng và đưa vào hoạt động Khoa ngoại tổng hợp . Đồng thời tiếp tục củng cố và phát triển nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam, thực hiện công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại địa phương có chất lượng và hiệu quả. Không ngừng trao dồi giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Lương y phải như tư mẫu”
7-/ Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo tuyến, nhất là xã điểm, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, xã tiên tiến về y học cổ truyền.
8-/ Luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em <6 tuổi; người nghèo, người già, người tàn tật, người có công với cách mạng, gia đình chính sách, thương bệnh binh, cán bộ hưu trí.
9-/. Kiện toàn hệ thống công tác dân số -KHHGĐ ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Thực hiện có hiệu quả quản lí Nhà nước đối với công tác dân số -KHHGĐ, phát huy các sự hợp tác tích cực giữa các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội tham gia công tác dân số - KHHGĐ.
10-/ Tăng cường kiểm tra hoạt động hành nghề y dược tư nhân, kiên quyết xử lí các cơ sở vi phạm nhiều lần, hành nghề không có giấy phép, đảm bảo 100% cơ sở hành nghề có đăng ký được kiểm tra ít nhất 2 lần/năm.
Có được thành tựu cơ bản như ngày hôm nay, đó chính là nhờ sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể đối với Ngành y tế, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của tất cả cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành. 
Ngành y tế Phú Tân, sẽ ra sức phấn đấu, phát huy những thành quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại yếu kém, biến thách thức thành thời cơ để làm tốt hơn nữa trong nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chúng ta tin tưởng rằng, ngành y tế sẽ tiếp tục góp phần xứng đáng trong việc thực hiện chiến lược con người. Cũng chính là góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội huyện nhà.



Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào: