Chuyên mục

Thế giới vi diệu Cảm nhận Tham khảo Giải trí Hình ảnh Danh ngôn truyên cười Tư tưởng Cảm nghỉ Các bài viết Gương Bác

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG Y TẾ DỰ PHÒNG
TRONG TRUNG TÂM Y TẾ CÓ GIƯỜNG BỆNH
TRƯỚC TÌNH HÌNH MỚI
                                                                            BSCK II. HỒNG MÙNG HAI
                                                                           Trung tâm Y tế huyện Phú Tân
Hơn 10 năm qua, hệ thống Y tế huyện Phú Tân không ngừng được củng cố, hoàn thiện trên cả 3 lĩnh vực: cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ chuyên môn, từ đó thực hiện có hiệu quả công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 1 Trung tâm Y tế có giường bệnh; 09 trạm y tế và 01 phòng khám đa khoa khu vực; 100% khóm, ấp có nhân viên y tế phục vụ; với hơn 225 cán bộ, viên chức, trong đó có 197 biên chế. Hiện nay, ngành Y tế huyện có 57 bác sỹ, bình quân đạt 5,4 bác sỹ/1 vạn dân; dược sĩ đại học 0,38/1 vạn dân.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hệ thống y tế của huyện còn bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn chưa đồng bộ, lạc hậu; nhiều đầu mối phân tán khiến việc chỉ đạo thiếu tập trung thống nhất, chồng chéo, sự phối hợp giữa các đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức  khỏe nhân dân trong tình hình mới; các chỉ số về sức khỏe nhân dân, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân còn thấp; công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ chênh lệch giới tính cao; đội ngũ bác sỹ chuyên sâu còn thiếu…chưa xứng tầm với sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Có thể nói rằng, chưa có giai đoạn nào trong lịch sử mà ngành y tế phải bàn bạc, hội thảo, thay đổi mô hình y tế tuyến huyện nhiều như trong những năm qua, và hiện tại vẫn chưa thống nhất, đồng bộ.
Bệnh viện huyện thuộc tuyến y tế cơ sở với nhiệm vụ chủ yếu là khám chữa bệnh, xử trí ban đầu đối với tất cả các vấn đề sức khỏe của người dân trên địa bàn. Theo thông tư liên tịch số 11/2005-TTLT-BYT-BNV ngày 12 tháng 4 năm 2005, của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về Y tế ở địa phương, thì bệnh viện đa khoa huyện là một đơn vị trực thuộc Sở y tế, song song với đó là trung tâm y tế dự phòng huyện, các trạm y tế trực thuộc Phòng y tế huyện.
Tiếp theo là thông tư số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25 tháng 04 năm 2008, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, Phòng Y tế thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, thì bệnh viện huyện có thể là một bộ phận của trung tâm y tế hoặc có thể tách riêng thành một đơn vị trực tiếp thuộc Sở nếu đủ điều kiện thích hợp, các trạm y tế thuộc trung tâm y tế (luôn gọi là trung tâm y tế dù có bao gồm bệnh viện hay không)
Trong một khoảng thời gian ngắn đã có 2 thông tư như trên điều chỉnh vấn đề tổ chức, quản lý y tế tuyến huyện nên các mô hình tổ chức liên tục thay đổi, tách ra và sáp nhập cho đúng quy định và phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi địa phương. Tuy nhiên, dù theo mô hình nào thì y tế tuyến huyện cũng đang có những vấn đề bất cập riêng để thực hiện chức năng phòng bệnh, khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng hoạt động kém hiệu quả, người bệnh vượt tuyến làm quá tải tuyến trên như một trong những vấn đề bức xúc xã hội hiện nay.
Vì sao năm 2006, chủ trương là chia tách và thành lập Trung tâm Y tế Dự phòng tuyến huyện ? Đó là trên quan điểm Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị và Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ là: Phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng theo hướng hiện đại, trên cơ sở dự phòng chủ động và tích cực. Đây có thể nói là cơ hội mở đường cho y tế dự phòng phát triển độc lập và chuyên sâu, đảm bảo chuyên môn hóa của ngành. Nhưng thực tế, khi tách ra chúng ta chưa chuẩn bị và chưa đáp ứng được nguồn lực y tế, nên gặp vô cùng khó khăn trong hoạt động, thử điểm qua các con số sau đây:
Từ năm 2006, Trung tâm y tế dự phòng huyện được tách ra từ trung tâm y tế. Tuy nhiên ngay từ buổi đầu tiên đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất, sự thiếu hụt về nhân lực và cả trang thiết bị y tế. Theo số liệu điều tra tại 293 Trung tâm y tế của Bộ y tế, có 12,5% đơn vị chưa được cấp đất xây trụ sở, 40% cần nâng cấp, sửa chửa và 100% không có đủ trang thiết bị tối thiểu. Theo Cục y tế dự phòng, nhân lực cho y tế dự phòng mới chỉ đáp ứng được 76% nhu cầu ở tuyến trung ương, 55% tuyến tỉnh và 43% tuyến huyện. Phần lớn cán bộ hoạt động y tế dự phòng chưa được đào tạo chuyên sâu, nhất là mãng dịch tễ học, nên thiếu khả năng phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh…Mặt khác, việc đào tạo nhân lực cho ngành y tế dự phòng cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi cán bộ giảng dạy, cơ sở thực hành vừa thiếu và yếu. Và khi tốt nghiệp ra trường cũng khó đảm bảo được cuộc sống. Do đó, phần lớn sinh viên đều có nguyện vọng học các chuyên khoa lâm sàng. Trước thực trạng trên, nhiều cán bộ làm công tác quản lý bày tỏ quan điểm: Phải chuẩn hóa cán bộ y tế dự phòng. Nhất thiết phải có cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo bác sỹ chuyên ngành y tế dự phòng, đặc biệt đào tạo chuyên khoa y tế dự phòng cho các bác sỹ đa khoa đang làm việc tại các cơ sở y tế dự phòng và tuyến y tế cơ sở.  
Để giải quyết những khó khăn trước mắt trên tại địa phương, nhằm xây dựng hệ thống y tế ngày càng vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 88, ngày 20 tháng 01 năm 2014, về việc thành lập Trung tâm Y tế huyện Phú Tân, trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị y tế tuyến huyện là: Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; và chính thức hoạt động theo mô hình mới - Trung tâm Y tế có giường bệnh - từ ngày 27 tháng 02 năm 2014 đến nay. Qua quá trình hoạt động có thể rút ra những mặt đạt được và khó khăn, hạn chế như sau:
- Những mặt đạt được
Thực hiện mô hình y tế theo hướng tập trung: Thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh giản bộ máy, việc sáp nhập các đơn vị là phù hợp với tình hình hiện nay, khắc phục được tình trạng tổ chức phân tán, rời rạc; tập trung nguồn lực về một đầu mối quản lý; cơ sở làm việc tập trung, khang trang đáp ứng nhu cầu cho tất cả các bộ phận của Trung tâm Y tế. Tập trung đầu mối lãnh đạo, thể hiện được vai trò người đứng đầu và giải quyết kịp thời các nhiệm vụ cấp bách.
Khắc phục được tình trạng lãng phí về nhân lực: Khi sáp nhập chỉ còn một ban lãnh đạo, giảm được nhiều phòng, ban và chức danh quản lý, mà vẫn đảm nhiệm được tất cả các công việc như trước đây, bộ máy làm việc thông suốt; thuận lợi trong việc điều động, luân chuyển, phối kết hợp trong công tác và học tập nâng cao trình độ. Do đó, đã phát huy được nguồn nhân lực, nhất là tại các khoa phòng, trạm y tế đều có bác sĩ mới được bổ sung tăng cường, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được giảm gọn nhẹ.
Triển khai các hoạt động y tế có hiệu quả hơn: Trước đây, khi triển khai thực hiện các công tác như: phòng, chống dịch bệnh, chương trình y tế; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; công tác khám, chữa bệnh… phải ký kết hợp đồng trách nhiệm giữa các đơn vị y tế tuyến huyện với nhau nhưng nay chỉ tập trung một đầu mối, Giám đốc Trung tâm Y tế là người trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động y tế, đã góp phần giảm được gánh nặng cho y tế xã về sự chỉ đạo chồng chéo từ nhiều phía của các đơn vị y tế cấp huyện.
Giải quyết tình trạng xã thiếu bác sĩ hoặc bác sĩ không muốn về xã: Trung tâm Y tế huyện đã có kế hoạch và thực hiện tăng cường bác sĩ về làm việc tại trạm y tế bằng hình thức sử dụng số viên chức của trạm y tế được cử đi học sau khi ra trường về công tác hoặc luân phiên bác sĩ tuyến huyện về làm việc và tham gia trực khám, chữa bệnh tại xã. Cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị chuyên môn cần thiết, thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để tăng lượng bệnh nhân đến trạm y tế xã, tạo điều kiện cho số bác sĩ đăng ký phục vụ tại tuyến xã nhiều hơn và hạn chế dần sự phân biệt cán bộ trạm y tế xã với cán bộ trung tâm y tế huyện.
Thực hiện tốt hơn vai trò tham mưu, nòng cốt trong cung cấp dịch vụ y tế: Sau khi sáp nhập các đơn vị sự nghiệp cấp huyện thành Trung tâm Y tế đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác tham mưu cho cấp ủy đảng và chính quyền địa phương về cung cấp dịch vụ y tế và quản lý theo ngành về nguồn lực, chuyên môn, kỹ thuật. Đây cũng là cơ hội và điều kiện tốt để phát huy năng lực, tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo điều hành của Trung tâm Y tế trong thời gian tới.
Công tác quản lý thông tin và đào tạo cán bộ y tế thực hiện tốt hơn: Mô hình Trung tâm Y tế sau khi thành lập là một khối thống nhất của các đơn vị sự nghiệp y tế cấp huyện, phần lớn các thông tin, số liệu được thu thập đều được cập nhật kịp thời, có độ tin cậy cao hơn so với trước đây. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế được quan tâm và tập trung hơn, nhất là đào tạo chuyên khoa và nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế xã.
Xóa được ranh giới phân biệt bác sỹ dự phòng và bác sỹ điều trị: Khái niệm bác sỹ dự phòng ở tuyến huyện còn rất mơ hồ trong suy nghĩ của người dân và ngay trong cán bộ quản lý, cán bộ ngành y tế. Và thực tế hiện nay, bác sỹ tuyến cơ sở không thể sống được bằng nguồn thu nhập tại đơn vị của mình, mà phải làm thêm ngoài giờ. Nhưng bác sỹ dự phòng không được hoạt động hành nghề, hoặc có hành nghề thì cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì trong mắt mọi người bác sỹ là phải làm trong lĩnh vực lâm sàng. Nên khi sáp nhập, xã hội nhìn các bác sỹ công bằng hơn, cùng một đẳng cấp, cùng một vai trò trong đơn vị có giường  bệnh.
Những khó khăn, hạn chế
- Khi tập trung 3 đơn vị về một đầu mối, đòi hỏi Giám đốc Trung tâm phải thể hiện bản lĩnh lãnh đạo, vai trò của người quản lý; có đủ phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Sự thay đổi chức danh một số lãnh đạo đơn vị, quản lý khoa, phòng ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến tư tưởng về quyền lợi chính trị, địa vị xã hội, mức phụ cấp chức vụ…Đây sẽ là mầm móng của sự bất đồng, nếu như không được dung hòa trong các mối quan hệ và triệt tiêu tư tưởng bề trên.
- Việc thay đổi về môi trường công tác, vị trí việc làm và điều kiện phục vụ của một số viên chức quản lý - hành chính khi tập trung làm việc ở bộ phận khác, lĩnh vực khác sẽ không tránh khỏi sự ngỡ ngàng, chưa kịp thích ứng với nhiệm vụ mới. Riêng đối với bác sĩ trước đây ở bệnh viện hoặc trung tâm cấp huyện khi phân công luân phiên về trạm y tế xã hoặc từ trạm y tế xã về huyện trước mắt sẽ gặp khó khăn.
- Xu hướng điều trị hóa trong đơn vị, lĩnh vực dự phòng thường đứng ở vị trí thứ 2. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì điều trị là trước mắt, dự phòng là lâu dài. Và một điều khó tránh khỏi là ai cũng muốn về khoa lâm sàng, kể cả đào tạo.
- Điều trị và dự phòng là hai khách thể khác nhau trong cùng một chủ thể thống nhất của ngành y tế. Cường độ và trạng thái làm việc hoàn toàn khác nhau, thậm chí phong cách và tâm lý của cán bộ viên chức trong hai lĩnh vực này đôi lúc cũng khác nhau. Vì thế, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, quản lý nhạy bén, phù hợp, nhất biến trong môi trường vạn biến.
- Một điều trăn trở nhất là khó phát triển chuyên môn hóa lĩnh vực y tế dự phòng, hay có thể nói là khó chuẩn hóa y tế dự phòng tuyến y tế cơ sở. Từ đó sẽ thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động, bởi vì khó xây dựng được đội ngũ đủ năng lực và nhất là tâm huyết với ngành dự phòng.  
Đề xuất, kiến nghị
- Cần phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, tồn tại để điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. Quán triệt tư tưởng, động viên cán bộ, viên chức an tâm công tác sau khi sáp nhập thực hiện theo mô hình Trung tâm Y tế có giường bệnh.
- Nhu cầu cho hệ thống y tế dự phòng là đổi mới tư duy: Nhu cầu tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị điều trị hiện đại là cần thiết nhưng mang tính cấp thiết, bởi vì một nhu cầu khác lâu dài hơn và quan trọng hơn là xây dựng một mạng lưới y tế cộng đồng hay y tế dự phòng. Tại sao cần phải xây dựng mạng lưới y tế dự phòng ? Câu trả lời đơn giản là tại vì chúng ta muốn phòng bệnh hơn là chữa bệnh.  
Tư duy y khoa truyền thống thường quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Tư duy này hun đúc thành những qui định về y đức như có trách nhiệm với cá nhân người bệnh, và các cơ sở vật chất y tế thường được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. 
Ngày nay, chúng ta biết rằng nếu hệ thống y tế chỉ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân thì vẫn chưa đủ. Do đó, tư duy y khoa truyền thống đã được phát triển thành một bước cao hơn và qui mô hơn: Đó là phòng bệnh và nhận dạng những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh. Nói cách khác, đây chính là tư duy y tế dự phòng
Y tế dự phòng không chỉ quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm, mà còn liên quan trực tiếp đến các bệnh mãn tính như tim mạch, viêm xương khớp, đái tháo đường, cao huyết áp, loãng xương, ung thư…Y tế dự phòng quan niệm rằng sự phát sinh các bệnh mãn tính là hệ quả của một quá trình tích lũy những rối loạn sinh lí qua phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ. Do đó, can thiệp vào các yếu tố nguy cơ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở qui mô cộng đồng.
- Vấn đề đầu tư: Nhận thức được vai trò quan trọng của y tế dự phòng, ở các nước tiên tiến đều tập trung đầu tư và thiết lập mạng lưới y tế cộng đồng. Chẳng hạn như ở Úc, các bà mẹ trước và sau khi sinh con đều được tầm soát và kiểm tra sức khỏe ở các trạm y tế dự phòng này. Hay như ở Cuba, có một hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí nhưng với chất lượng được đánh giá là tốt nhất thế giới. Theo số liệu từ World Data Bank năm 2014, tuổi thọ trung bình của người dân Cuba là 79 tuổi, tỷ lệ bác sĩ trên số dân là 1/300, tỷ lệ nhiễm HIV thấp nhất trên thế giới (0,1%) và tỷ lệ tử vong sơ sinh đạt mức thấp kỷ lục 0,45%. Những thành tựu thần kỳ của nền y tế Cuba dường như đã phá vở mọi giả thuyết về mối tương quan giữa “năng lực tài chính” với “khả năng chăm sóc sức khỏe”. Làm cách nào Cuba có thể đảm bảo chất lượng y tế tương đương, thậm chí vượt trội các quốc gia phồn thịnh. Trong nhiều nghiên cứu lý giải thành công của mô hình y tế đặc biệt này, nghiên cứu “Cuban Health Care: A Different Way” của tác giả Kyra Forman, Đại học Pittsburgh năm 2014 đã trình bày ba điểm nổi bật làm nên sự khác biệt cho hệ thống y tế Cuba. Thứ nhất là sự chú trọng vào y tế dự phòng. Thứ hai là tận dụng các liệu pháp bổ sung - thay thế. Và cuối cùng là mạng lưới y tế cộng đồng 3 cấp. Như vậy, Y tế Dự phòng, vốn thường bị xem nhẹ tại nhiều quốc gia, đã trở thành cốt lõi cho hệ thống y tế Cuba.
Chính vì vậy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp đầu tư cho y tế dự phòng, nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y tế; có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ làm công tác y tế dự phòng, nhất là tuyến y tế cơ sở.
Tóm lại
Mục tiêu cuối cùng của bất cứ hệ thống y tế nào cũng là nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho người dân. Muốn đạt được như thế, Nhà nước cần phải tăng đầu tư cho ngành y tế dự phòng, để qua đó tạo điều kiện sao cho mọi người nhất là người nghèo cũng có thể được hưởng dịch vụ y tế công bằng trong xã hội. Bài toán y tế hiện nay chính là xây dựng hệ thống y tế dự phòng, chứ không phải nên tập trung ngân sách vào những thiết bị đắt tiền mà đại đa số người dân không hưởng lợi ích gì từ những đầu tư như thế. Đây chính là giải pháp để thực hiện: Công bằng, hiệu quả và phát triển của ngành y tế.
Thành công của một ca giải phẫu là cứu sống một người, nhưng thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống nhiều triệu người, và kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả một dân tộc. Nhưng trớ trêu thay, trong khi người bác sĩ thành công một ca giải phẫu chắc chắn sẽ được xã hội tung hô như một vị anh hùng, còn những người hoạch định và thực hiện thành công một chiến lược y tế dự phòng thì chỉ là những người “trầm lặng” chẳng ai để ý đến! Đã đến lúc xã hội cần phải ghi nhận xứng đáng những đóng góp âm thầm đó của những người làm công tác y tế dự phòng./.





Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không có nhận xét nào: