PHÚ TÂN TẬP TRUNG
PHÁT TRIỂN Y TẾ,
HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU: CHĂM SÓC SỨC KHỎE TOÀN DÂN
BS HỒNG MÙNG HAI
Củng cố, nâng cao chất lượng
hoạt động y tế cơ sở là một chiến lược lớn, nhất quán qua nhiều thời kỳ trong
sự nghiệp chăm sóc, bảo bệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Từ khi đất nước bước vào
thời kỳ đổi mới, với những chính sách mới về kinh tế, xã hội, môi trường kinh
tế - xã hội có nhiều thay đổi thì các chính sách về y tế nói chung và hệ
thống y tế cơ sở nói riêng đã có những biến chuyển bước ngoặt để thích ứng với
tình hình mới.
Có thể nói, hệ thống y tế cơ
sở đã từng bước được củng cố vững chắc để đảm đương nhiều nhiệm vụ nặng nề,
phức tạp trong điều kiện có nhiều thuận lợi và cũng có nhiều khó khăn, thách
thức. Vì vậy, việc tăng cường năng lực toàn diện của hệ thống y tế cơ sở là một
yêu cầu cấp bách hiện nay.
Trước hết, chúng ta cần làm
rõ khái niệm y tế cơ sở:
Y tế cơ sở là nền móng của
toàn bộ hệ thống y tế quốc gia, là lực lượng chủ lực giải quyết các vấn đề chăm
sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.
Từ trước đến nay chúng ta
vẫn cho rằng y tế cơ sở ở nước ta gồm hệ thống y tế từ cấp huyện đến các trạm y
tế xã, phường, thị trấn và mạng lưới y tế thôn, bản, ấp, khóm.
Một câu hỏi đặt ra quan niệm
như vậy còn đúng trong tình hình hiện nay nữa không ?
Vấn đề này có hai ý kiến
khác nhau :
Ý kiến thứ nhất, vẫn cho rằng hệ thống y tế cơ sở bao gồm hệ thống y tế từ tuyến huyện
trở xuống vì cơ
chế hiện nay trạm y tế tuyến xã không phải là đơn vị có đầy đủ tư cách
pháp nhân, trạm y tế tuyến xã là một bộ phận của y tế tuyến huyện. Lương của cán bộ trạm y tế tuyến xã do y
tế tuyến huyện trả, vật tư,
thiết bị, dụng cụ văn phòng, điện nước… do y tế huyện mua sắm, chi
trả, vì thế y tế tuyến xã không thể tách rời y tế tuyến huyện.
Ý kiến thứ hai, cho rằng y tế cơ sở hiện nay cần xác định chỉ là hệ thống y tế từ tuyến xã và y
tế thôn, bản, khóm, ấp. Tuyến y tế huyện hiện nay có nhiều nơi đã vượt ra ngoài chức năng của y tế cơ sở, ý kiến
này dẫn chứng đã có những bệnh viện đạt bệnh viện hạng 1. Như vậy xếp y tế
tuyến huyện vào y tế cơ sở là
không còn phù hợp tại một số địa phương.
Khái niệm thứ hai là chăm sóc sức khỏe toàn dân: Chăm sóc sức khỏe
toàn dân, có nghĩa là mọi
người đều được chăm sóc sức khỏe.
Quyền được chăm sóc sức khỏe
là một trong những quyền cơ bản của con người. Quyền này được ghi nhận trong
Hiến pháp và trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.
Như vậy, từ những khái niệm
trên, chúng ta thấy rằng y tế huyện Phú Tân là y tế cơ sở thuộc hệ thống y tế
Việt Nam.
Để thực hiện đạt mục tiêu
chăm sóc sức khỏe toàn dân, ngành y tế huyện Phú Tân có những thuận lợi, khó khăn
và giải pháp cơ bản sau đây:
Thuận
lợi 1: Đã có được các cơ sở
pháp lý vững chắc, những chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước về công tác
củng cố y tế cơ sở. Nhận thức của cán bộ Đảng, chính quyền các cấp về y tế cơ
sở ngày càng được nâng lên, từ đó lãnh đạo địa phương càng quan tâm hơn đến y
tế.
Thuận
lợi 2: Qua 15 năm tái thành
lập ngành y tế huyện Phú Tân đã từng bước được củng cố, phát triển vững chắc cả
về bề rộng và bề sâu, hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng có
hiệu quả hơn. Nhiều quy định
chuyên môn, trang thiết bị, kỹ thuật y tế và cơ sở hạ tầng đã được xây dựng và
ban hành. Đáng chú ý là đã thực hiện tốt tiêu chuẩn phân cấp kỹ thuật thực hành
cho tuyến y tế huyện và xã, chuẩn quốc gia về y tế xã.
Hiện tại, toàn huyện có hơn
250 cán bộ, viên chức y tế, tăng 1,5 lần so với năm 2004. Tất cả các xã, thị
trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, đều có bác sỹ, kể cả bác sỹ chuyên khoa cấp I; hộ sinh
trung học hoặc cử nhân hộ sinh và dược sỹ trung cấp phục vụ tại địa phương. Các
loại dịch bệnh đều được khống chế và đẩy lùi; tỷ lệ khám, chữa bệnh đạt trên
2,5 lượt/ người/ năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng tăng và nâng dần
chất lượng dịch vụ y tế. Lực lượng y tế khóm, ấp luôn được quan tâm phát triển,
hiên tại 100% khóm, ấp đều có nhân viên y tế cộng đồng hoạt động.
Thuận
lợi 3: Công tác phối hợp liên ngành, xã hội hóa các hoạt động chăm sóc
sức khỏe đã có những bước tiến rõ rệt trong những năm gần đây như khám, chữa
bệnh cho người nghèo, người có công, các nạn nhân chất độc Dioxin - da cam, các
bệnh nan y, mãn tính, người tàn tật, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường,
đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tai nạn, thương
tích… ngành y tế đã phối hợp
lồng ghép các mục tiêu y tế của mình vào những phong trào ở các địa phương như: Xây dựng ấp văn hóa, xây dựng nông thôn mới…
Các chính sách hỗ trợ đồng
bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người cận nghèo của Chính phủ về khám chữa
bệnh, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân (hiện đã đạt trên 75% dân số có bảo hiểm
y tế)…là những tiền đề tốt để y tế huyện Phú Tân phục vụ người dân tốt hơn,
hiệu quả hơn.
Thuận
lợi 4: Những đổi mới về tổ
chức, chính sách đầu tư đối với y tế cơ sở ngày càng được chú ý hơn. Nhờ vậy,
về cơ bản nhân lực, vật lực, tài lực cho các hoạt động của y tế huyện, xã được
đảm bảo ở mức cần thiết. Sự thay đổi hệ thống tổ chức y tế tuyến huyện thành
Trung tâm y tế đa chức năng, đã tạo động lực cho y tế phát triển tập trung,
hiệu quả.
Thuận
lợi 5: Hơn 15 năm qua, điều
kiện kinh tế, xã hội huyện Phú Tân đã được cải thiện rất đáng kể. Đường ô tô đã
tới tất cả các xã; công nghệ thông tin được phát triển nhanh chóng. Đây là
những tiền đề rất thuận lợi để người dân tiếp cận với các thông tin y tế, các
cơ sở dịch vu y tế.
Tuy có những yếu tố thuận
lợi nêu trên, ngành y tế huyện Phú Tân vẫn đang đứng trước những thách thức to
lớn trên con đường phát triển bền vững để hoàn thành sự nghiệp cao quý là Chăm
sóc sức khỏe toàn dân. Cụ thể là:
Thách
thức1: Còn vài trạm y tế, kể
cả Trung tâm y tế, chưa thu hút được nhiều người bệnh đến chữa trị. Từ đó, tỷ
trọng thu từ bảo hiểm y tế và dịch vụ y tế thấp so với nhu cầu, nên việc cơ cấu
sử dụng kinh phí này để đưa vào hoạt động thường xuyên không bù đủ chi, nhất là
những trạm y tế có lượt khám bệnh ít. Một bộ phận người bệnh tới thẳng các cơ
sở y tế tuyến trên (tỉnh, thành phố) hoặc các cơ sở y tế tư nhân để điều trị
cho dù phải chi phí tốn kém. Một bộ phận không nhỏ người bệnh thì không đến các
cơ sở y tế khám, điều trị mà mua thuốc về nhà tự chữa
Các hoạt động y tế dự phòng
của y tế xã có nơi chưa tốt. Công tác phòng chống dịch, bệnh ở một số địa
phương chưa thực sự đi vào chiều sâu. Bằng chứng là các bệnh dịch như sốt xuất
huyết, tay chân miệng… vẫn xảy ra thường xuyên, dai dẳng ở nhiều xã; an toàn
thực phẩm chưa được kiểm soát tốt.
Thách
thức 2: Đội ngũ cán bộ, viên
chức ngành y tế huyện chưa có nhiều bác sỹ, kỹ thuật viên giỏi. Nhà nước, chính
quyền địa phương chưa có những chính sách đột phá để thu hút, giữ chân những
cán bộ y tế giỏi, được đào tạo tốt. Chưa phát huy được tiềm năng và thế mạnh
của chuyên môn ngoại, sản tại tuyến huyện.
Thách
thức 3: Các nhiệm vụ của y tế
xã ngày càng nhiều và đa dạng. Có rất nhiều chương trình/dự án y tế về chăm sóc
sức khỏe cộng đồng từ y tế tuyến trên đổ dồn xuống cho y tế cơ sở triển khai
thực hiện. Công tác hành chính, đặc biệt là trạm y tế xã, rất nặng nề, chiếm
khá nhiều thời gian làm việc chuyên môn của nhân viên y tế.
Thách
thức 4: Trong hoạt động ở
tuyến y tế cơ sở chưa có mô hình mẫu nào hài hòa thật tốt được lợi ích của cả 3
bên là nhà nước, người dân sử dụng các dịch vụ y tế và người cung cấp các dịch
vụ y tế là cán bộ nhân viên y tế. Về phía Nhà nước, đã có chính sách rõ ràng, đã
cung cấp ngân sách trang thiết bị y tế cần thiết cho hệ thống y tế cơ sở. Về
phía người dân thì có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao nhưng khả năng
chi trả các dịch vụ y tế lại không giống nhau. Về phía cán bộ nhân viên y tế dù
có tâm huyết, được đào tạo tốt nhưng mức lương và thu nhập lại rất khiêm tốt,
con đường phát triển tương lai nghề nghiệp chưa được rộng mở… Đó là những tồn
tại khó giải quyết trong một sớm một chiều.
Thách thức 5: Mặc dù
đã có những chuyển biến nhận thức tích cực về công tác chăm sóc sức khỏe nhân
dân của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, nhưng ở
một số ít địa phương gần như giao hoàn toàn trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân
dân cho ngành y tế, chưa thực sự coi đây là một trong những trách nhiệm chính
của mình. Mặt khác, ở một số nơi ngành y tế chưa chủ động, tích cực tham mưu
cho người lãnh đạo chính quyền những yêu cầu và giải pháp để chăm sóc sức khỏe
nhân dân tại địa phương, và trong thực tế, sự phối hợp liên ngành trong vấn đề
này còn chưa chặt chẽ, thường xuyên. Từ đó, sản phẩm sức khỏe ở đầu ra của
ngành y tế bị hạn chế.
Để
phát huy những thành tựu đã đạt được và khắc phục những khó khăn thách thức,
trong thời gian tới, để thực hiện đạt mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân,
ngành y tế huyện Phú Tân cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Một
là về vai trò lãnh đạo: tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp đối với các hoạt động chăm sóc
sức khỏe nhân dân tại địa phương, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để ngành y
tế trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức tốt việc phối hợp liên ngành, các
lực lượng y tế ngoài công lập, huy động xã hội tham gia tích cực vào việc xây
dựng hệ thống y tế vững mạnh và chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Hai là về tổ chức, hoạt
động: Tiếp tục phát huy có hiệu quả trung tâm y tế đa chức năng, thực hiện cả nhiệm
vụ phòng bệnh, chữa bệnh. Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của
trạm y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức
khỏe. Tạo động lực và cơ chế cho các trạm y tế để thu hút được bệnh nhân đến
khám và điều trị.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho trạm
y tế xã thực hiện theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải
thực hiện. Quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã;
nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến
trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về. Phát
triển các phòng khám bác sĩ gia đình tại nơi có điều kiện để thực hiện công tác
chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng tốt hơn. Trước hết, thực hiện
tốt hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 2 trạm y tế là Rạch Chèo và Phú
Thuận, sau đó nhân rộng ra các xã còn lại.
Ba là về tài chính: Ðồng thời với giao nhiệm
vụ phải kèm theo đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho y tế cơ sở.
Bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, tăng tỷ trọng chi
bảo hiểm y tế, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, tư nhân, xã hội hóa cho y
tế cơ sở. Cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của bảo
hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Các trạm y tế đảm bảo thu đủ chi cho hoạt động
thường xuyên.
Bốn là về nhân lực: Tiếp tục
tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống
tuyến dưới và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị;
tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực; cần có các chính sách ưu đãi
cho cán bộ y tế cơ sở.
Năm là về cơ sở hạ tầng,
khoa học công nghệ: Phân loại các trạm y tế xã để đầu tư có trọng tâm, trọng
điểm, không dàn trải, không nhất thiết phải theo địa giới hành chính, nhưng phù
hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng,
trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã. Nâng cao năng lực và ứng dụng có hiệu
quả khoa học công nghệ vào hoạt động của hệ thống y tế, nhằm rút ngắn thời gian
hành chính cho cán bộ y tế cơ sở.
Tóm lại: Chăm
sóc sức khỏe toàn dân, là quan điểm nhất quán, mục tiêu lâu dài và cũng là sứ
mạng của y tế cơ sở. Nhưng để đạt được mục tiêu này thì mọi người phải cùng
tham gia chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân mình, gia đình mình
và cộng đồng. Đồng thời, ngành y tế huyện Phú Tân phải quyết tâm phấn đấu, ngày
càng được củng cố và nâng cao năng lực hoạt động, đó là giải pháp cơ bản, bền
vững và khả thi nhất để thực hiện đạt mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trên
địa bàn huyện Phú Tân: Công bằng, hiệu quả và chất lượng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét